Kinh nghiệm du lịch phượt Điện Biên

Khi đang chúi đầu vào làm báo xuân thì một người bạn là Giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội gọi điện cho tôi mà theo lời hắn là để tham khảo một số thông tin hữu ích cho một chuyến chinh phục ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào bằng xe máy.

Chưa kịp định thần cho cái ý tưởng bốc giời của ông bạn U40 của mình thì bạn đã giải thích rào rào: “Ông đừng nghĩ tôi hâm, đâu phải cứ bọn thanh niên mới phượt được? Tôi còn ngon lắm, mới lại anh em nhất trí đi rồi. Sao lại chọn thời điểm năm cùng tháng tận mà lại rét cắt da cắt thịt này để lên biên giới? Tôi phản ứng một cách yếu ớt. Bạn tôi tưng tửng: “Thì thế mới cảm nhận được đặc sản rét vùng cao chứ. Với lại để xem mấy gã nhà báo viết về dốc chó ngồi, rồi nào là hàn phong, nào là “sương muối như rây bột” của mùa đông A Pa Chải có đúng không? Nhân tiện thăm anh em biên phòng đón tết thế nào?” Thôi thì đành dặn dò bạn chuẩn bị những thứ cần thiết cho một chuyến đi đầy thử thách. Mà bạn nói cũng đúng. Ngã ba biên giới đã, đang và sẽ là nơi khao khát chinh phục của rất nhiều người.
Theo định nghĩa của đa phần giới trẻ hiện nay, “phượt” như một kiểu du lịch tự do, có thể đi đến những nơi mà chưa tour du lịch nào tới. Phượt là cách để con người tự giải thoát, làm mới lại mình, thay đổi không khí. Cũng có thể nói rằng: Phượt, nghĩa là “Thích là đi”.
Vài năm trở lại đây, Điện Biên là điểm đến yêu thích của nhiều “phượt tử” trên khắp cả nước. Chỉ cần gõ “phượt Điện Biên” trên Google là có ngay 138.000 kết quả tìm kiếm. Trong đó riêng địa chỉ “phượt A Pa Chải” đã cho 55.900 kết quả.
Điều đương nhiên, phần lớn dân phượt lên Điện Biên đều có mục đích khám phá khu vực ngã ba biên giới A Pa Chải, nơi con gà gáy 3 nước Việt Nam – Trung Quốc – Lào cùng nghe. Nơi đây có cột mốc không số trên độ cao 1.850m so với mực nước biển của dãy núi Khoang Na San. Địa danh này đã đón rất nhiều “phượt tử” từ Nam chí Bắc với khăn, áo mang hình cờ đỏ sao vàng rực rỡ đến thăm. Đáng nể nhất là một nhóm phượt từ thành phố mang tên Bác đã làm một hành trình từ T.P Hồ Chí Minh – Hà Nội – Điện Biên Phủ – A Pa Chải (Điện Biên) Mù Căng Chải (Yên Bái) bằng xe máy.
Điều đáng trân trọng là, lên thăm, khám phá vùng ngã ba biên giới, trong hành trang của các nhóm phượt luôn có thêm ít kẹo bánh, áo ấm, bút vở cho trẻ em các điểm trường của xã Sín Thầu; nhóm thì tặng sách báo cho bộ đội biên phòng Đồn 317. Một cán bộ Đồn Biên phòng 317 cho biết: Hàng năm, vào dịp nghỉ lễ 30/4, 2/9 hay dịp hè là A Pa Chải rất đông khách.
Ngoài A Pa Chải là hàng hot thì bước chân lãng du của dân phượt cũng đến rất nhiều địa danh khác của Điện Biên. Có lẽ, miền đất với các quần thể di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh và bản sắc độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số là sự cuốn hút khó cưỡng để dân “phượt” đến với Điện Biên.
Trên một diễn đàn mạng có tên phuotvicongdong, một “phượt tử” đã nhận xét: “Điện Biên chính là bức tranh được vẽ bởi tạo hóa mà chúng ta không thể bỏ qua. Đến với Điện Biên là đến với thiên nhiên, là trở về thăm lại một miền lịch sử. Có lẽ, trong hành trình về với Điện Biên, chúng ta nên mang theo giấy bút để chép lại lịch sử hào hùng của dân tộc và sau đó chia sẻ trải nghiệm đó với những người chưa đặt chân đến nơi này”.
Nhiều nhóm phượt đã chọn thị xã Mường Lay để khám phá cuộc sống trên bến dưới thuyền của người dân tái định cư thủy điện Sơn La, cảm nhận ngã ba sông và đặc biệt là trải nghiệm với sông Đà vừa nên thơ, vừa hung dữ, bạo liệt bằng thuyền kayak.
“Phượt tử” với nickname Tabalo đã chia sẻ trên trang web: www.phuot.vn những trải nghiệm rất chân thực và giàu cảm xúc về Mường Lay: “Thực hiện một chuyến đi giã biệt dòng sông thật sự khiến chúng tôi vừa hồi hộp nhưng cũng rất bồi hồi. Từ phía Tây chảy về là dòng Nậm Tè (sông Đà), từ Bắc trôi xuống là dòng Nậm Na, từ Nam ngược lên là dòng Nậm Lay. Ba dòng nước mùa mưa cuộn với nhau tại một điểm, tạo nên những dòng xoáy tít mù. Giã biệt Hang Tôm, chỉ mong là cây cầu cũ không bị phá dỡ, để dẫu có trầm mình dưới mặt hồ mênh mông, chúng ta vẫn còn cơ hội để thăm lại nó, với một phương tiện hoàn toàn khác, đó là những bình khí lặn! Từ Mường Lay về đến phà Pá Uôn (nơi con đường 279 cắt qua sông Đà) dài tới 100km, ghềnh thác hung dữ nhưng không đủ lớn để chặn đứng những con thuyền xuôi ngược trên sông. Tuy thế, đoạn này lại có một điểm đặc biệt là nó chạy giữa các khe núi sâu trên 1.000m nên vô cùng hoành tráng”.
Bên cạnh A Pa Chải (Mường Nhé) và Mường Lay thì Điện Biên Đông cũng là địa chỉ được dân phượt tìm đến khám phá khung cảnh thiên nhiên hoang dã, cuộc sống bình yên, đa sắc màu của các dân tộc Thái, Lào, Dao, Khơ Mú, Mông; thăm tháp cổ Mường Luân… Lộ trình đến mảnh đất này có thể theo 2 hướng: Hà Nội – Sơn La – Điện Biên Phủ – Điện Biên Đông. Hoặc có nhóm “phượt” đã chinh phục bằng một hành trình hoành tráng nhưng cũng nhiều gian nan hơn: Xuất phát từ Hà Nội đi Mai Châu (Hòa Bình) – Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La) qua đường tắt sang Tìa Dình, Háng Lìa, Mường Luân (Điện Biên Đông) rồi mới ra T.P Điện Biên Phủ.
Hiện nay, trên nhiều diễn đàn mạng đã xuất hiện những lời hiệu triệu thành viên, mời mọc phượt tử 3 miền tham gia phượt Tủa Chùa miền đất còn ít dấu chân phượt. Tủa Chùa là huyện vùng cao cách T.P Điện Biên Phủ chừng 120km. Đây là miền đất quần cư của 7 dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá với những bản sắc văn hóa độc đáo. Đến với Tủa Chùa sẽ có nhiều thứ để tìm hiểu, trải nghiệm: động Xá Nhè, hồ Pa Vông – Huổi Só, vùng chè cổ thụ Sín Chải, nương đá Tả Phìn, rừng thông Trung Thu, chợ phiên Tả Sìn Thàng…
Nếu xuất phát từ Hà Nội thì chương trình hay nhất là: Sáng sớm rời thủ đô, qua Hòa Bình (có thể ghé thăm Mai Châu), Sơn La (ngắm cảnh Mộc Châu và ăn, nghỉ trưa ở T.P Sơn La), tiếp tục hành trình lên đèo Pha Đin, dừng ngắm cảnh, chụp ảnh kỷ niệm (nếu qua đường đèo cũ sẽ nhiều cảm xúc hơn bởi độ cao, độ dài và độ hiểm trở). Chiều tối đến Tuần Giáo, tắm nước nóng Quài Nưa cho tỉnh người sau một chặng đường dài, nghỉ đêm ở nhà khách Tuần Giáo. Sáng hôm sau xuất phát đi Tủa Chùa, có thể rẽ vào Pú Nhung thăm quê hương và nhà tưởng niệm Anh hùng Vừ A Dính, từ đây có đường tắt (hơi gập ghềnh khó đi) sang Mường Đun, Xá Nhè của Tủa Chùa. Hoặc cứ quốc lộ 6 thẳng tiến khoảng gần 25km là đến ngã ba Huổi Lóng. Từ đây đến trung tâm Tủa Chùa chỉ còn 18km.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn