Cuộc sống thường không dễ dàng, nhất là khi bạn phải đối mặt với vô vàn những vấn đề lớn nhỏ khác nhau. Chúng dường như trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những con người theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Điều đó có nghĩa là họ hướng tới sự cầu toàn thái quá, và họ luôn cảm thấy những nỗ lực của mình là chưa đủ.
Tất nhiên, cầu toàn là tốt. Thế nhưng xét về phương diện khác, sự cầu toàn ấy sẽ gây ra rất nhiều tổn thương.
Đâu chỉ vậy, việc điên cuồng kiếm tìm sự hoàn hảo vốn dĩ không tồn tại ấy, chỉ khiến họ thêm buồn bã và thất vọng về bản thân hơn mà thôi.
Bạn có phải là tuýp người như vậy không ? Hãy cùng mình điểm qua một vài dấu hiệu của sự khắt khe với bản thân quá mức dưới đây nhé !
#1. Không bao giờ cảm thấy hài lòng
Khi là một người tôn thờ những gì được gọi là hoàn hảo, bạn thường có xu hướng tiến tới những điều lớn lao hơn, đồng nghĩa với việc tham vọng cũng nhiều hơn.
Bạn sẽ thấy rằng những thành công bạn đạt được dường như quá bình thường và tất yếu. Bởi thế, bạn ép bản thân mình theo đuổi những mục tiêu xa xôi hơn, thậm chí đôi khi nó còn vượt quá những gì bạn có thể làm được.
Và khi mọi chuyện không được như ý mình, bạn cảm thấy thất vọng, hụt hẫng, dằn vặt bản thân và đắm chìm trong những chuỗi ngày u sầu, cùng với những suy nghĩ tiêu cực, đại loại như: ” Lẽ ra mình đã có thể….”
Chẳng có gì gọi là ” lẽ ra “ cả ! Bạn đâu phải là đấng toàn năng ? Có những điều trong cuộc sống này dù bạn có nỗ lực đến thế nào thì kết quả của nó vẫn sẽ thế mà thôi. Bạn phải chấp nhận chúng !
Nếu bạn chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường nhưng lại nuôi tham vọng tranh cử tổng thống Mĩ, hoặc thay đổi cục diện chính trị thế giới,.. v.v… thì chúng không phải là hoài bão khát khao gì đâu, mà chúng đã trở thành những mơ mộng viển vông, mơ mộng hão huyền mất rồi 🙂
Bởi thế hãy gạt những giấc mơ xa xôi ấy đi. Những con người quá tham vọng và cứng nhắc thường lãng quên mất giá trị đích thực vẫn luôn hiện hữu từng ngày. Chúng nên là mục tiêu để bạn hướng đến, hơn là những điều quá lạ lẫm xa vời mà chưa chắc bạn có thể chạm tới.
#2. Luôn cố gắng làm vừa lòng người khác
Điều kì lạ là những con người quá khắt khe với chính bản thân của họ lại luôn tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu, ý kiến từ người khác.
Họ không coi chúng đơn thuần là những lời góp ý nữa, mà là những mệnh lệnh vô hình, và sau đó nhất nhất nghe theo.
Bạn phải hiểu rằng, đáp ứng được miệng lưỡi thế gian là điều không thể. Thử nghĩ mà xem, bạn đã gặp gỡ và tiếp xúc biết bao nhiêu người.
Rồi đến một ngày tất cả những người ấy cùng quay vào bắt bạn phải làm theo ý của họ. Điều đó thật vô lý và khó khăn phải không nào ?
Do đó bạn không có nghĩa vụ phải làm vừa lòng ai cả. Hãy tập trung đầu tư cho chính bản thân mình, bởi bạn đâu có thời gian để sống cuộc đời cho người khác.
Đừng lo, họ sao có thể hiểu rõ bạn hơn chính bản thân bạn được ? Vì vậy, những điều mà bạn luôn cố gắng xoay xở để đáp ứng ấy, thực chất chỉ là những quan điểm chủ quan, phiến diện mà thôi !
Tất nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là mình khuyên các bạn bác bỏ hoàn toàn sự góp ý từ những người xung quanh đâu nhé. Mà chính xác là hãy lắng nghe có chọn lọc.
Trong trường hợp, đó là những lời lẽ đúng đắn và chân thành mà bạn nhất quyết không chịu tiếp thu, thì bạn sẽ biến mình thành một con người cố chấp và bảo thủ đấy !
#3. Luôn cho rằng những kết quả tốt đẹp là do may mắn
Đã khi nào bạn mặc định rằng những thành quả mình đạt được là do may mắn chưa ? Nếu có thì bạn thực sự là một điển hình của mẫu người quá khắt khe và cứng nhắc với chính mình rồi đấy.
Trước một kì thi, một nhiệm vụ hay bất kỳ một công việc nào đấy, cho dù trước đó bạn đã chuẩn bị và luyện tập rất kĩ càng, nhưng tới khi nhận được kết quả, bất kể chúng khả quan thế nào thì bạn vẫn tìm mọi lý do để chứng minh rằng thành quả của mình có được là do may mắn.
Đừng nhầm điều này với sự khiêm tốn. Khiêm tốn là khi bạn không chút kiêu ngạo và khoa trương, chứ hoàn toàn không phải là bạn phủ nhận sạch trơn mọi cố gắng mà bản thân đã nỗ lực hướng đến.
Bạn phải học cách trân trọng những bước tiến dù là nhỏ nhất của chính mình. Bởi cuộc sống đâu phải một cuộc chạy nước rút, nó là một hành trình dài mà người bền bỉ hơn là người chiến thắng.
Trên chặng đường ấy, chỉ cần bạn mạnh mẽ hơn ngày hôm qua một chút thì khả năng giành chiến thắng đã là rất lớn rồi.
#4. Lời Kết
Vậy là ta đã cùng nhau đi sâu vào những mảng tính cách cơ bản của kiểu người quá khắt khe và cứng nhắc với bản thân mình.
Hi vọng chúng có ích với bạn và mình cũng mong rằng qua bài viết này các bạn sẽ biết trân trọng và yêu thương bản thân mình hơn nhé.
Chúc các bạn thành công, đừng quên để lại phản hồi tích cực giúp Jk Blog ngày càng phát triển nhé !
Đăng nhận xét